Ngày đăng: 01/11/2023
Hoàng hôn ở Hầu Chư Ngài đẹp yên bình.
Hầu Chư Ngài nằm ngay bên đường, nhưng biệt lập và vẫn giữ được những nếp truyền thống xưa cũ nên khi vào bản, bạn sẽ có ngay một cảm giác khác lạ. Đường vào bản thường mờ trắng sương mù dày đặc nên bạn cần đi chậm. Cung đường cũng khá nhỏ và nhiều đất đá gập ghềnh như thử thách người lữ khách “Có thật sự muốn đến đây không?”. Du khách có thể thuê xe máy hoặc tham gia các chương trình đi bộ leo núi, trekking đến Hầu Chư Ngài từ các công ty lữ hành uy tín của tỉnh Lào Cai. Con người ở đây cũng rất chất phác, đơn thuần với những chàng trai người Mông khéo léo làm nương rẫy, đan lát, rèn đúc; cô gái người Mông thêu thùa hay những em nhỏ vô tư nô đùa cùng đàn gà, đàn vịt.
Vì chưa nhộn nhịp, đông đúc nên Hầu Chư Ngài thực sự là nơi lí tưởng để bạn dạo bộ, thả mình thư giãn, tham lam hít thở hương vị của đất trời và tìm những góc máy đẹp nhất để lưu giữ chút yên bình mà đô thị không thể có được.
Nếu thích trekking khám phá, bạn có thể nhờ một người bản địa dẫn đường, đi bộ xuyên qua bản, leo lên đỉnh núi Hầu Chư Ngài. Từ đỉnh Hầu Chư Ngài ta có thể phóng tầm mắt rộng, bao quát khắp nhà thờ đá Hầu Thào, thung lũng Mường Hoa, hay bạt ngàn rừng Tống Quán Sủi xen lẫn những rặng tre, mai, trúc xanh mướt... và thu trọn dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, trong tầm ngắm. Cảnh quan sẽ rất tráng lệ vào lúc bình minh hay hoàng hôn bởi biển mây dày đặc quanh những đỉnh núi.
Đường qua Thào Hồng Dến đến Hầu Chư Ngài đẹp và được du khách nước ngoài ưa chuộng để trekking.
Nói Hầu Chư Ngài là điểm săn mây kỳ thú của Sa Pa là bởi ngoài những lợi thế trên, vị trí này còn có một đặc điểm riêng để đón mây - đó là hướng gió. Sa Pa chịu ảnh hưởng bởi 3 luồng gió chính.
Luồng gió thứ nhất từ hướng Đông mang nhiều hơi nước thổi vào theo thung lũng Mường Hoa, gặp đỉnh Pansipan thì dựng ngược lên mà vượt đỉnh sang phía bên kia sườn núi.
Luồng gió thứ 2 thổi từ phía Tây khô nóng (mà dân gian gọi là gió Lào) vượt núi chạy về phía biển.
Luồng gió thứ 3 hướng từ Lào Cai theo Ngòi Đum hướng về núi chính. Thế nên tùy vào lực gió, lượng mây, hướng sáng của mỗi luồng, mà từ vị trí quan sát thuận lợi của Hầu Chư Ngài, chúng ta sẽ được chứng kiến những vũ điệu tuyệt kỹ của mây mà không nơi nào có được.
Săn mây ở Hầu Chư Ngài.
Mùa mây ở Hầu Chư Ngài kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, đây cũng là mùa khách nước ngoài thích đến trekking, khám phá ở Sa Pa.
Theo Petrotimes